FDI là gì? Tầm quan trọng và điều kiện để trở thành doanh nghiệp FDI
FDI là gì? Tầm quan trọng và điều kiện để trở thành doanh nghiệp FDI
Trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư FDI vào Việt Nam đang rất sôi động. Nó góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Nhưng không phải ai cũng hiểu hết về thuật ngữ FDI đặc biệt là những người mới đầu tư. Vậy FDI là gì? Cần có những điều kiện gì để có thể trở thành doanh nghiệp FDI? Mọi câu trả lời có liên quan sẽ được MSB giải đáp trong bài viết dưới đây.
FDI đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia
1. FDI là gì? Khái niệm và vai trò của FDI
FDI là chữ viết tắt của cụm từ Foreign Direct Investment hiểu đơn giản là vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thực hiện đầu tư bằng cách thành lập công ty con hoặc chi nhánh để thực hiện các hoạt động kinh doanh, mua cổ phần cổ phiếu, mua tài sản hoặc hợp tác kinh doanh…
FDI đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nó mang lại nhiều lợi ích cho cả bên đầu tư và bên nhận đầu tư.
Đối với những quốc gia được đầu tư, FDI góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cung cấp nguồn vốn đầu tư, tiến hành chuyển giao công nghệ, tăng cường hội nhập quốc tế. Đối với những đơn vị đầu tư nước ngoài, việc đầu tư FDI mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động kinh doanh và mở rộng sự có mặt trên toàn cầu.
2. Đặc điểm của FDI
FDI màng một số đặc trưng nổi bật như:
Lợi nhuận: Đây là đặc điểm cơ bản và đặc trưng của FDi mang lại. Dù các nhà đầu tư FDI theo hình thức nào thì mục đích cuối cùng vẫn là nhằm thu lại được nguồn lợi nhuận cao nhất.
Cơ sở tính lợi nhuận: Cơ sở tính lợi nhuận từ hình thức đầu tư FDI là sự trên kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp được đầu tư. Những doanh nghiệp được nhận đầu tư có cải thiện, tăng trưởng kinh tế hay không sẽ phản ánh được hiệu quả của nguồn vốn FDI đó.
Sự tham gia của các nhà đầu tư: Sự tham gia của các nhà đầu tư ở các dự án FDI là không giống nhau. Để có thể tham gia được vào bộ máy kiểm soát doanh nghiệp buộc nhà đầu tư phải có một số vốn nhất định ở doanh nghiệp đó.
Số vốn tối thiểu cụ thể là bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, các bên sẽ có những thỏa thuận cụ thể về việc can thiệp nông hay sâu vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Tác động của FDI lên nền kinh tế và thị trường chứng khoán
FDI luôn có những tác động tích cực và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Nhưng việc quản lý và thu hút nguồn vốn cần phải được thực hiện một cách khôn ngoan để đạt hiệu quả.
3.1 Gia tăng nguồn vốn đầu tư
FDI giúp gia tăng vốn đầu tư vào các dự án kinh tế trong nước
FDI mang đến cho nền Kinh tế Việt Nam những nguồn vốn đầu tư quan trọng, giúp thu hút và gia tăng vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án kinh tế lớn. Từ đó tạo tiền đề vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI còn đóng vai trò quan trọng, chủ chốt trong việc thúc đẩy bổ sung nguồn vốn đầu tư cho các ngành công nghiệp chủ chốt, công nghiệp công nghệ cao như du lịch, sản xuất điện tử…
3.2 Tạo ra nhiều cơ hội việc làm
Một tác động to lớn của nguồn vốn FDI vào nền kinh tế Việt Nam chính là tạo ra lượng lớn cơ hội việc làm, giải quyết tình trạng thiếu việc làm, thừa nhân lực tại Việt Nam.
Được làm việc tại các công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra nguồn thu nhập bền vững. Từ đó giúp người lao động nhanh chóng ổn định cuộc sống, có nhiều cơ hội để phát triển, nâng cao tay nghề.
Bên cạnh đó, FDI cũng thúc đẩy sự chuyển dịch các ngành kinh tế của Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa. Nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp được đầu tư vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ. Đây là cơ sở để nâng cao chất lượng nguồn lao động cũng như thu nhập hàng tháng của họ.
FDI giúp tăng cơ hội việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động
3.3 Mở rộng thị trường xuất khẩu
Việc được đầu tư nguồn vốn FDI vào các doanh nghiệp Việt Nam còn giúp mở rộng thị trường xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi khi được đầu tư FDI sẽ tạo ra các chuỗi cung ứng và giá trị gia tăng. Từ đó các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp cận với thị trường quốc tế.
Ngoài ra, các nhà đầu tư FDI vào thị trường Việt Nam còn rất có kinh nghiệm trong việc phân phối và kinh doanh sản phẩm trên thị trường thế giới. Chính vì vậy mà cải thiện được cán cân xuất nhập khẩu cũng như thương mại quốc tế.
3.4 Kích thích ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển
Quy trình quản lý, công nghệ sản xuất của các công ty nước ngoài khá vượt trội. Vì vậy, những doanh nghiệp được đầu tư vốn nước ngoài sẽ có hiệu quả sản xuất cao hơn, có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh đó, FDI còn có khả năng kích thích sự phát triển của đa dạng các ngành kinh tế trong đó có công nghệ cao và dịch vụ.
3.5 Tăng cường nguồn vốn ngoại tệ
Việc thu hút nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp tăng cường nguồn vốn ngoại tệ từ đồng USD. Khi nguồn vốn USD tăng lên đồng nghĩa với Việt Nam không bị ép về tỷ giá. Đó là cơ sở để nguồn vốn nước ngoài không bị đình trệ hoặc bị rút ròng từ phía các nhà đầu tư.
3.6 Cải thiện tình trạng thanh toán
Khi được tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp cho cán cân thanh toán của quốc gia, giảm bớt tình trạng tài khoản vãng lai bị thâm hụt. Từ đó giúp tăng cường dự trữ ngoại tệ, ổn định và phát triển nền kinh tế trong nước.
Có thể nói, FDI mang lại nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực với nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán của quốc gia được tiếp nhận. Nhưng đóng góp này giúp ổn định, phát triển kinh tế và nâng cao giá trị cũng như chất lượng cuộc sống của nhân dân.
4. Các loại hình đầu tư nước ngoài FDI
Đầu tư nước ngoài FDI hiện nay đang tồn tại 3 loại hình phổ biến. Mỗi hình thức lại có những ưu điểm và những lợi ích chiến lược khác nhau.
4.1. FDI theo chiều dọc
Các loại hình đầu tư FDI phổ biến hiện nay gồm đầu tư theo chiều dọc, đầu tư theo chiều ngang và đầu tư tập trung
FDI theo chiều dọc hay còn gọi là Vertical FDI hiểu đơn giản là một dạng đầu tư vào chuỗi cung ứng với đa dạng các ngành nghề. Lúc này công ty đầu tư vốn nước ngoài sẽ đầu tư vào các công đoạn khác nhau trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Với loại hình đầu tư FDI này mà doanh nghiệp đầu tư có thể theo dõi, kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ví dụ: Một công ty chuyên sản xuất đồ uống có ga của Trung Quốc sẽ tiến hành đầu tư FDI theo chiều ngang bằng cách cung ứng nguyên vật liệu như đường, hoa quả, hương liệu hoặc hướng đến việc đầu tư vào các đơn vị phân phối để giúp người dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm hơn.
4.2. FDI theo chiều ngang
FDI theo chiều ngang - Horizontal FDI là một trong những loại hình đầu tư FDI phổ biến, thường gặp hiện nay. Các nhà đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh sang một quốc gia khác nhưng vẫn trong cùng một lĩnh vực sản xuất. Hai doanh nghiệp hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh mặt tương tự như nhau.
Với hình thức đầu tư này giúp cho nhà đầu tư tận dụng được mọi lợi thế về quy mô, quy trình sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ví dụ: Một công ty sản xuất ô tô tại Nhật Bản đầu tư vào một công ty chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện ô tô tại Việt Nam theo chiều ngang. Công ty Nhật Bản sẽ đầu tư vào công đoạn sản xuất và cung ứng các sản phẩm tương tự như công ty tại Nhật.
Khi đầu tư và thị trường Việt Nam, công ty Nhật Bản sẽ tận dụng được tối đa lợi thế và tiềm năng, đáp ứng được tối đa nhu cầu của khách hàng theo từng khu vực, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng cường cạnh tranh.
4.3. FDI tập trung
Ngoài việc đầu tư FDI theo chiều ngang, chiều dọc thì nhiều công ty nước ngoài còn lựa chọn loại hình đầu tư FDI theo hình thức tập trung. Loại hình FDI này hiểu đơn giản là một quốc gia đang thu hút được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư từ nhiều quốc gia khác nhau vào cùng một ngành nghề, một khu vực hoặc dự án nào đó. Hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nhiều doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau để tăng lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro.
Hình thức đầu tư FDI tập trung này mang lại cho quốc gia nhận đầu tư nhiều lợi ích thiết thực như tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực và tay nghề của người lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh và bền vững, mở cánh cửa hội nhập kinh tế thế giới.
Ví dụ: Tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc hiện nay đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam như công nghệ, bất động sản, tài chính, tiêu dùng…
5. Doanh nghiệp FDI là gì?
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp FDI
Doanh nghiệp FDI là gì? Doanh nghiệp FDI là cụm danh từ rất quen thuộc với chúng ta. Hiểu đơn giản đây là doanh nghiệp được thành lập bằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Phần vốn đầu tư này sẽ được sử dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Doanh nghiệp FDI hiện nay ở Việt Nam có hai dạng là doanh nghiệp sở hữu 100% vốn nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang liên doanh, liên kết với các tổ chức tại Việt Nam.
5.1. Điều kiện để trở thành doanh nghiệp FDI
Để trở thành doanh nghiệp FDI, cơ sở sản xuất kinh doanh này cần đáp ứng được các điều kiện cơ bản dưới đây:
Yêu cầu về vốn đầu tư: Để trở thành doanh nghiệp FDI bắt buộc phải được thành lập hoặc có sự góp vốn bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Một phần hoặc toàn bộ nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp đó phải không đến từ các nhà đầu tư thuộc quốc gia mà doanh nghiệp đứng chân và hoạt động.
Ngành nghề kinh doanh hợp pháp: Để trở thành doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp cần chứng minh được ngành nghề kinh doanh, hoạt động không nằm trong danh mục cấm của pháp luật Việt Nam theo điều 6, luật Đầu tư 2020. Những ngành nghề không được phép hoạt động bao gồm:
- Kinh doanh chất gây nghiện, ma túy, hóa chất, khoáng vật, pháo nổ.
- Kinh doanh động, thực vật hoang dã, có nguồn gốc tự nhiên, quý hiếm.
- Kinh doanh các hoạt động mua bán mại dâm.
- Kinh doanh, mua bán người, mô, xác, các bộ phận trên cơ thể người, bài thai…
- Kinh doanh liên quan đến các hoạt động sinh sản vô tính trên người.
- Kinh doanh các dịch vụ liên quan đến bảo kê, đòi nợ…
Quy trình xin giấy chứng nhận đầu tư: Một doanh nghiệp để trở thành doanh nghiệp FDI thì cần phải thực hiện đúng các quy trình xin giấy chứng nhận đầu tư.
Cụ thể theo khoản 1, điều 22, Luật Doanh Nghiệp năm 2020 quy định, khi thành lập doanh nghiệp FDI cần phải chứng minh được các dự án đầu tư, thực hiện các thủ tục cấp phép cũng như điều chỉnh thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định trong khoản 1, 2 điều 39 Luật Đầu Tư 2020 như sau:
- Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án về đầu tư khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao…
- Sở kế hoạch và đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao…
5.2. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp FDI
Quyền lợi
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép thực hiện các quyền cơ bản dưới đây:
- Quyền tự do kinh doanh, tự chủ về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp minh sao cho phù hợp với phạm vi và ngành nghề được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.
- Được quyền nhập khẩu máy móc, trang thiết bị phục vụ, vật tư,… phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Doanh nghiệp FDI được phép tuyển lao động Việt Nam để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh
- Có quyền ủy thác xuất khẩu cũng như tiêu thụ sản phẩm do công ty sản xuất.
- Được hưởng chính sách miễn thuế trong những trường hợp nhập khẩu máy móc, phương tiện chuyên dụng để tạo tài sản cố định cho doanh nghiệp hoặc mở rộng quy mô đầu tư.
- Được quyền mở tài khoản doanh nghiệp bằng tiền Việt Nam và tiền nước ngoài tại các ngân hàng của Việt Nam, ngân hàng liên doanh ở Việt nam hoặc các chi nhánh ngân hàng của nước ngoài đặt trên lãnh thổ Việt Nam.
- Được quyền mở tài khoản vay vốn doanh nghiệp tại ngân hàng nước ngoài nếu được sự chấp thuận của ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Được phép tuyển dụng nhân sự theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Ưu tiên tuyển công nhân Việt Nam. Chỉ được phép tuyển lao động nước ngoài vào những vị trí mà công nhân Việt Nam chưa thể đảm nhiệm nhưng trong khi làm việc phải đào tạo lao động Việt Nam để thay thế.
- Được quyền mở chi nhánh công ty tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Nghĩa vụ của doanh nghiệp FDI
Ngoài những quyền lợi ở trên, doanh nghiệp FDI cần phải thực hiện những nghĩa vụ sau:
- Bảo vệ môi trường đất, nước, không khí
- Hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng phạm vi ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư.
- Đấu thầu theo đúng quy định của Pháp luật Việt Nam.
- Thực hiện kế toán, kiểm toán, thống kê theo đúng quy định của Pháp luật Việt Nam. Trong những trường hợp đặc biệt cần áp dụng chế độ kế toán nước ngoài thì phải được sự chấp thuận, thông qua của Bộ Tài Chính.
- Nộp đầy đủ các khoản thuế theo quy định của Pháp luật Việt Nam.
Với những thông tin được MSB chia sẻ trong bài viết trên đây chắc hẳn bạn đọc đã hiểu được FDI là gì? Những đặc điểm cơ bản và vai trò với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Để nền kinh tế đất nước phát triển bền vững, có thể hòa nhập được với sự phát triển chung của các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cần hoàn thiện thêm môi trường đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh để thu hút nguồn vốn nước ngoài vào các dự án chất lượng cao.